Tư vấn nhà nông
Cách nhân sinh khối nấm Trichoderma
Trichoderma có khả năng phân hủy Cellulose và đối kháng lại các loài nấm gây bệnh ở thực vật. Việc dùng Trichoderma là lựa chọn tốt, vừa bảo vệ được cây trồng, tăng thêm thu nhập, giảm chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường.
Hoạt động đối kháng của Trichoderma mang tính phòng ngừa nhiều hơn. Vì vậy, Trichoderma chỉ hoạt động hiệu quả khi nó "định cư" trước khi các loài nấm bệnh xâm nhập, nó cho phép tạo thành lớp măng sông bảo vệ vùng rễ cây tránh khỏi sự xâm nhập của nấm bệnh. Một khi đã "định cư" Trichoderma sẽ giúp cây trồng phát triển mà không bị nấm bệnh tấn công.
Như vậy, sử dụng Trichoderma có rất nhiều lợi ích như:
- Tận dụng được phế liệu thực vật làm nguyên liệu sản xuất (phân bón).
- Bảo vệ rễ cây khỏi các tác nhân gây bệnh.
- Giảm thiểu việc dùng thuốc trừ sâu hóa học, dùng phân bón hóa học.
- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Vậy làm thế nào để nhân sinh khối bào tử nấm Tricoderma nhằm giúp chúng ta giảm chi phí đầu tư và hiệu quả đem lại cao hơn. Tôi xin giới thiệu đến bà con cách làm như sau:
1. Vật liệu cần chuẩn bị
- 1kg bào tử Trichoderma + 100gr đường cát đỏ + 5kg cám gạo + 1kg xơ dừa.
- Vài tàu lá chuối khô (cắt đoạn ngắn khoảng 50cm), 1bao tải chỉ xanh (hoặc có thể dùng chiếu cói cũ, rách).
- Dụng cụ: Bình xịt dung tích 1-2 lít (để phun sương, giữ ẩm)
2. Quy trình thực hiện
- Lấy xô sạch, cho vào 1,5 lít nước lạnh, 100gr đường vào hòa tan, cho 1 kg bào tử Trichoderma vào quậy đều.
- Lấy hỗn hợp trên trộn với cám gạo và xơ dừa cho thật đều. Dùng tay bóp mạnh hỗn hợp vừa trộn, thấy có một ít nước chảy ra ngoài theo kẻ ngón tay là được. Nếu còn khô thì gia thêm nước lạnh cho đến khi bóp nhẹ hơi có nước là được. Cho tất cả hỗn hợp trên vào một góc nhà (tránh kiến, tráng nắng, gió trực tiếp…). Rải thành một lớp dày khoảng 7-8 cm. Đậy mấy cọng lá chuối lên, trên cùng đậy bao tải, không ém chặt vì nấm thuộc loại hiếu khí.
- Với lượng vật liệu trên, khối ủ sẽ có trọng lượng 6-7 kg.
3. Kiểm tra:
- Khi mở đống ủ ra kiểm tra, phun nước bổ sung, nhớ đậy lại ngay để giữ ẩm.
- Sau 48 – 50 giờ, thấy trên mặt đống ủ có lớp mốc màu trắng là sợi nấm. Lấy tay sờ trên mặt đống ủ sẽ thấy hơi nóng, khoảng 500C. Nếu bề mặt đống ủ hơi khô thì cho 1 muỗng đường hòa tan với 0,5 lít nước, cho vào bình xịt nhẹ trên mặt đống ủ để giữ ẩm.
- Qua ngày thứ 3, đống ủ có màu hơi xanh, đến ngày thứ 6-7 có màu xanh đậm hơn. Lúc này nấm trở lại thành bào tử. Như vậy là đã hoàn thành một vòng đời của nấm (kiểm tra vào các ngày khác, nếu thấy khô cũng xịt giống như ngày thứ 2 để giữ ẩm).
- Lúc này ta trộn hỗn hợp này với phân vi sinh để bón cho cây.
* Chú ý: Khi mua bào tử nấm Trichoderma cần xem kỹ hạn sử dụng.
Thu Hằng – TTKN Lâm Đồng